Chuyển đến nội dung chính

ĐỪNG ĐỂ HẠT ẤY THÀNH CÂY


#Jas_feelings



Tôi có một người thân. Cô không bao giờ nói chuyện với mẹ mình quá hai câu. 


Tôi gặng hỏi thì nhận được câu trả lời : "Mình thật sự không có nhu cầu trò chuyện với mẹ. Đã không có liên kết này từ nhỏ. Giờ thì càng không muốn"


Cô ấy không bất hiếu. Cô ấy làm những việc chăm sóc bình thường như mọi người khác vẫn làm cho mẹ. Nhưng cô ấy không thoái mái khi nói chuyện với mẹ mình.


Tôi nghĩ về chuyện này, và bắt đầu thấm dần ý nghĩa của nhân quả.


Ngày tôi bé, những câu chuyện của tuổi dậy thì cần được chia sẻ hay hướng dẫn, tôi về nói với mẹ, thì bà thường không dành thời gian cho tôi. May mà tôi viết nhật ký để giải tỏa. May mà ba tôi lắng nghe tôi. May mà các bạn của tôi là người tốt.


Tôi đã không sa ngã. Đã chông chênh, nhưng được an ủi và che chở đúng khi đúng lúc! May mắn biết bao!


Cách dạy con của người Việt những năm 80-90 thế kỷ trước vẫn còn cực đoan. Phụ huynh đa phần không coi trọng cá tính của con cái. Họ giống như đang trút những bất lực của chính mình, chính tuổi hoa niên của mình lên con cái. Con ngoan tức là con đừng phản kháng! Con ngoan đôi khi phải sống giúp ba mẹ phần đời bất toàn của họ, chứ không phải sống cuộc đời của chính đứa trẻ. Bất hạnh. Mất thăng bằng. Tổn thương. Lệch lac. Đủ cả.


Tôi mất dần thói quen kể lại những tâm tư cùng mẹ. Tôi không thấy việc nói ra những cảm xúc trong tâm can là một nhu cầu. Không cần thiết.


Khi ai đó không tin cậy mối quan hệ gia đình đẻ của mình, người đó thật ra rất đáng thương.


Hôm nay, khi nhìn thấy người thân của mình khước từ chia sẻ với mẹ ruột, cũng như biết mình cũng có tâm lý đó, tôi biết rằng, đó là quả của một nhân thiếu hiểu biết và thiếu sự thấu hiểu trong mối quan hệ gia đình.


Dù cho có thấy, hiểu và có quyết tâm sửa chữa , vẫn khó lòng lấp đầy thương tổn và hoài nghi. Không bao giờ có được cảm giác an yên , dễ chịu, cảm thông hoàn toàn với sự sửa chữa đó, dù nỗ lực thế nào. 


Cho nên, tôi biết mình phải yêu con cái thêm nhiều nữa. Yêu không phải cho ôm ấp. Yêu là cho con thời gian, để nghe con kể. " Mẹ ơi, hôm nay lớp con có hai bạn mới!", " Mẹ ơi, con chỉ được 7 điểm toán thôi, con sẽ cố hơn.." ... Có rất nhiều nỗi lòng thơ ngây trong đó. Làm vai trò của người lắng nghe đôi khi rất mệt. Nhung thà nghe, và hiểu được con thông qua những tâm tư non nớt, để biết mình quan trọng, để biết mình được tin cậy, để cầu nối tấm lòng được duy trì, còn hơn một hôm nào đó, khi muốn kể câu chuyện của mình, thì con cái xua tay," Được rồi mẹ, con không muốn nghe!"


Hãy biết, yêu thương cũng cần được nuôi dưỡng và là một nhu cầu cần chú tâm chăm sóc. Nếu hôm nay bạn không dành thời gian cho con cái, mai này cũng đừng mong con cái dành thời gian cho bạn. Đó là sự công bằng của cuộc đời. Nghe có vẻ tàn nhẫn, nhưng là sự thật!


Vật vã chữa lành, sao bằng đừng gây thương tổn? 


Vậy ngay khi biết được hạt mầm đã gieo không tốt lành, xin hãy dừng ngay lại, đừng tưới tắm , thêm duyên cho hạt ấy thành cây! Đau lắm!


Còn kịp cho ai đó thời gian, thì làm đi bạn! Bạn sẽ nhận lại thời gian, và tình yêu. Đó là điều tôi biết chắc.

Nhận xét